Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Người thầy với bộ thí nghiệm lạ

Với hy vọng sẽ mang lại cho học sinh những bài giảng thú vị và giàu thực tế, thầy giáo Nguyễn Văn Thắng (Trường Trung học phổ thông Trần Phú, Q.Hoàn Kiếm – HN) đã hiện thực hóa thành công sáng kiến về đồ dùng dạy học mang tên “Bộ thí nghiệm thực hành và biểu diễn chuyển động tròn và chuyển động quay của vật rắn”.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thắng.

Sinh năm 1975 tại huyện Gia Lâm – Hà Nội, tốt nghiệp khoa Lý – Đại học Sư phạm Hà Nội, đến nay, thầy giáo Nguyễn Văn Thắng đã có 10 năm công tác tại Trường Trung học phổ thông Trần Phú. Làm việc trong một ngôi trường có truyền thống dạy học lâu đời, là cái nôi đào tạo những người tài, thầy sớm nhận thức được vai trò của một giáo viên, quyết tâm cống hiến tài trí cho sự nghiệp giáo dục.

Thời sinh viên, thầy Thắng rất đam mê nghiên cứu khoa học và đã có nhiều ý tưởng sáng tạo mới mẻ. Cho tới khi đứng trên bục giảng, thấu hiểu được thực tế học tập của các học sinh với môn vật lý, thầy đã bắt tay thực hiện những sáng kiến của mình. Năm 2007, thầy Thắng đã tham gia cuộc thi “Sáng tạo đồ dùng dạy học tự làm” lần thứ nhất do Bộ GDĐT phát động.

Sáng kiến về “Bộ thí nghiệm thực hành và biểu diễn giao thoa sóng” của thầy đã đoạt giải nhì toàn miền Bắc. Bộ thí nghiệm là kết quả của nhiều năm suy nghĩ, đúc rút kinh nghiệm của một quá trình lên lớp. Năm nay, thầy Thắng lại một lần nữa khẳng định khả năng của mình thông qua bộ thí nghiệm “Thực hành và biểu diễn chuyển động tròn và chuyển động quay của vật rắn”.

Thầy Thắng cho biết: “Đây là bộ thí nghiệm ngốn rất nhiều thời gian và công sức của tôi. Nghĩ ra ý tưởng này đã khó, nhưng để thực hiện ý tưởng càng khó gấp bội. Trong quá trình thực hiện, tôi vừa nghiên cứu, sáng chế, vừa tiến hành nâng cấp sao cho nó dễ sử dụng và hiệu quả. Thậm chí cho đến bây giờ, tôi vẫn còn phải mày mò, hoàn thiện”.

Sáng kiến của thầy Thắng xuất phát từ việc khắc phục những hạn chế của bộ thí nghiệm do Bộ GDĐT cấp như cồng kềnh, tốn nhiều thời gian lắp. Theo thầy, cả trường chỉ có một phòng thực hành với vài bộ thí nghiệm, số tiết thực hành giữa các lớp sẽ khó tránh khỏi sự chồng chéo, vậy còn đâu điều kiện để thực hành. Với bộ thí nghiệm của mình, thầy hy vọng sẽ giúp học sinh tiếp cận với thí nghiệm dễ dàng, có điều kiện thuận lợi để các em được thực hành, thao tác các thí nghiệm.

Với ý tưởng về bộ thí nghiệm “Thực hành và biểu diễn chuyển động tròn và chuyển động quay của vật rắn” cùng nhiều sáng kiến khác, thầy giáo Nguyễn Văn Thắng đã được UBND thành phố tặng bằng “Sáng kiến, sáng tạo thủ đô” năm 2012.


Nguồn: laodong.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét