Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Hàng không suy, người nghèo có cơ đi máy bay

.

.

Cập nhật 09:48, Thứ Ba, 01/01/2013 (GMT+7)

  Năm 2012, thị trường hàng không nội địa suy giảm, các hãng hàng không vật vã thu hút khách. Cuộc đua giảm giá vé sôi động đã khiến nhiều người thu nhập thấp có cơ hội đi máy bay. Cạnh tranh đã khiến máy bay thành sàn diễn thời trang, bục trao nhẫn cưới...

Viet Jet Air nổi đình đám với màn tiếp viên mặc bikini và giảm giá cạnh tranh với tàu hỏa. Ảnh: VJ.
Viet Jet Air nổi đình đám với màn tiếp viên mặc bikini và giảm giá cạnh tranh với tàu hỏa. Ảnh: VJ.

 

Mang cơm nắm lên máy bay

Năm 2012, thị trường hàng không nội địa sụt giảm mạnh (6,4% so với 2011). Tuy nhiên, chưa có năm nào các hãng hàng không nội địa (Vietnam Airlines-VNA, Jetstar Pacific-JP, VietJetAir-VJ, Air Mekong-AM và Vasco) đua nhau giảm giá.

Có những thời điểm, vé máy bay bán công khai trên mạng với mức chỉ 500-900 nghìn đồng/chiều Bắc Nam, tức rẻ chỉ bằng một nửa của vé tàu hoả hạng sang.

Trên nhiều chuyến bay giá rẻ của JP, VJ, đã xuất hiện các hành khách đùm theo cơm, mang bánh mì để tiện dùng bữa thay vì mẫu hành khách đóng hộp comple sang trọng vốn thường thấy trước đây trên mỗi chuyến bay.

Chưa kể lượng lớn khách suy thoái kinh tế (do tác động của nền kinh tế, nhiều hành khách bỏ phương tiện cao cấp để đi bình dân nếu vé máy bay không giảm) ngày càng nhiều trên các chuyến bay.

Sự sụt giảm của thị trường nội địa và những khó khăn chung của nên kinh tế đã khiến hãng hàng không truyền thống VNA đã phải 3 lần điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh (sử dụng biện pháp tiết kiệm, cắt giảm chi phí với tổng số lên đến 570,4 tỷ đồng). Hãng này cũng cắt giảm trên 3 nghìn chuyến bay và 3.600 giờ bay.

Thường hãng hàng không truyền thống không hướng tới việc bán vé giá rẻ, nhưng VNA đã phải phá lệ bán nhiều vé loại này. Trước đây, vé máy bay giá rẻ chỉ là chiêu kích cầu và hành khách dù có 3 đầu 6 tay cũng khó giành giật được (vì số lượng chỉ vài chiếc, nhưng có đến hàng nghìn người truy cập mua).

Có những hãng hàng không do đã đặt mua máy bay từ nhiều năm trước, năm 2012, máy bay mới cứ thế đổ về Việt Nam. Nếu để không, đồng nghĩa với việc cả đống tiền bỏ phí, do đó bằng mọi cách phải đưa vào hoạt động.

Vậy là cơ hội để vé máy bay giá rẻ xuất hiện trong cuộc chạy đua cạnh tranh tồn tại giữa các hãng.

Đây cũng là lý do, cao điểm đi lại Tết Nguyên đán năm nay, giao thông hàng không khá êm ả. Các đại lý bán vé máy bay có muốn găm hàng tạo áp lực khan hiếm vé cũng khó. Hơn nữa, bên cạnh VNA, giờ đã có 4 hãng hàng không khác thậm chí còn bay chưa hết công suất. Có hãng hàng không mỗi tháng lỗ 3 tỷ, nhưng vẫn phải bay.

Tổ chức cưới, múa bikini thu hút khách

Hãng hàng không tư nhân được cấp phép đầu tiên VJ bay khai trương tháng 12-2011.

Trong khi một số hãng hàng không tư nhân khác chết yểu, như Hàng không Đông Dương, Trãi Thiên Aircargo, Blue Sky..., VJ mua máy bay, sơn hình quốc kỳ Việt Nam và sôi động với các chiêu quảng bá, cũng như tuyên bố trở thành hàng không chi phí thấp.

Ngay từ dàn tiếp viên đã phá cách với quần lửng, mũ ca-lô theo cách diễn giải của hãng này là hình ảnh những chiến sỹ ngập tràn Hà Nội mùa Đông năm 1946.

Đây cũng là hãng bay gây sốc với hành khách và nhà chức trách khi bất ngờ với màn tiếp viên mặc bikini nhảy múa giữa 2 hàng ghế trong tiếng nhạc sôi động chào mừng hành khách trong hành trình về với biển.

Chưa hết, gần đây, hành khách vừa ngồi yên chỗ trên máy bay, bất ngờ xuất hiện cô dâu-chú rể trao nhẫn và lời thề nguyền ngay giữa máy bay...Nhưng, ngạc nhiên nhất, giá vé của hãng này cạnh tranh với cả đường sắt (nếu mua sớm).

Trong khi nhiều hãng khác đang vật lộn với thị trường, VJ đã bán vé đi Băng Cốc (Thái Lan) và chuẩn bị bay trong tháng tới. Giới chuyên gia kinh tế chỉ có thể thốt lên VietjetAir mạo hiểm chờ thị trường hồi phục. Các chuyên gia kinh tế dự báo năm 2013, giá vé máy bay sẽ còn cạnh tranh giảm giá.

(Theo TPO)

.

.

.

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét